Trong quản trị chiến lược thường có 3 giai đoạn: hoạch định, thực thi và đánh giá chiến lược. Trong đó, hoạch định chính là bước đầu tiên vô cùng quan trọng định hướng toàn bộ công việc mà doanh nghiệp cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu mà mình đề ra. Do đó, hoạch định chiến lược và lựa chọn công cụ hoạch định chiến lược là điều không thể thiếu và ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp. Khi nhắc đến công cụ hoạch định chiến lược, bên cạnh những cái tên quen thuộc như SWOT và BCG thì hiện nay, BSC cũng dần trở thành một công cụ thường được các doanh nghiệp “điểm danh”.
Hoạch định chiến lược – bước đầu trong quản trị chiến lược
Dù ở ngành nào, làm về lĩnh vực đầu tư hay sản xuất, các doanh nghiệp đều có một mục tiêu chung là tồn tại và phát triển. Những thay đổi về môi trường xã hội, chính sách, khoa học – công nghệ, điều kiện kinh tế… có thể là nguy cơ nhưng cũng có thể là các cơ hội cho doanh nghiệp. Mấu chốt nằm ở khả năng thích nghi và đáp ứng được sự thay đổi này đến đâu. Chính vì vậy, hoạch định chiến lược là một công việc rất quan trọng, vì nó không chỉ đơn thuần là việc lập kế hoạch mà còn là quá trình không ngừng hoàn thiện và bổ sung chiến lược thích ứng với hoàn cảnh thực tiễn, kết hợp với quá trình thực thi và đánh giá chiến lược.
Hoạch định chiến lược là việc đưa ra những quyết định và hành động mang tính định hướng và dẫn dắt để doanh nghiệp trở thành “cái gì”, “làm gì”, “làm như thế nào” và “tại sao cần làm như vậy”. Thế nên việc hoạch định gắn với sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp. Về cơ bản, hoạch định chiến lược gồm các bước phân tích môi trường kinh doanh, xác định mục tiêu chiến lược, xác định các phương án lựa chọn chiến lược và quyết định chiến lược. Trong đó việc phân tích môi trường kinh doanh có thể kết hợp với các công cụ hoạch định chiến lược như SWOT hay BCG. Việc hoạch định không chỉ chỉ rõ đích đến và cách thức để doanh nghiệp đi đến đích mà còn nêu rõ cách thức đo lường mức độ thành công.
SWOT – Công cụ hoạch định chiến lược hướng vào doanh nghiệp
- SWOT là từ viết tắt của bốn từ:
- Strengths (Điểm mạnh)
- Weaknesses (Điểm yếu)
- Opportunities (Cơ hội)
- Threats (Nguy cơ)
Đây là một công cụ rất hữu dụng giúp doanh nghiệp hiểu rõ chính mình, đặc biệt là về các lợi thế cạnh tranh cũng như những điểm yếu cần khắc phục. Thông qua việc phân tích điểm mạnh, điểm yếu, SWOT hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các chiến lược bằng cách kết hợp các yếu tố, như dùng điểm mạnh (S) để nắm bắt cơ hội (O), dùng điểm mạnh (S) để đối phó nguy cơ (T), khắc phục điểm yếu (W) để tận dụng cơ hội (O) hoặc tận dụng cơ hội để khắc phục điểm yếu và khắc phục điểm yếu (W) để hạn chế nguy cơ (T). Ngoài ra, còn có một cách kết hợp cả 4 yếu tố S-W-O-T là sử dụng điểm mạnh để khai thác cơ hội, khắc phục điểm yếu và giảm thiểu nguy cơ. Sự kết hợp các yếu tố này còn được gọi là ma trận SWOT, được các nhà quản trị thực hiện trong quá trình ứng dụng công cụ hoạch định chiến lược.
Bảng phân tích SWOT sẽ giúp doanh nghiệp có được những thông tin hữu ích để kết nối các nguồn lực và khả năng của công ty với môi trường cạnh tranh mà công ty đang hoạt động. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp việc hoạch định chiến lược cụ thể và hiệu quả.
Khi phân tích công cụ SWOT, các yếu tố điểm mạnh, điểm yếu là những yếu tố thuộc về doanh nghiệp, cơ hội và nguy cơ là yếu tố từ môi trường bên ngoài. Song, cốt lõi của SWOT vẫn là việc phân tích lợi thế và hạn chế của chính doanh nghiệp để từ đó đưa ra những chiến lược phù hợp nên SWOT là công cụ hoạch định chiến lược có xu hướng tập trung vào nội lực doanh nghiệp.
BCG – Công cụ hoạch định chiến lược hướng ra thị trường
Nếu như công cụ SWOT có xu hướng tập trung phân tích nội lực doanh nghiệp để ứng phó với những thách thức và cơ hội từ môi trường bên ngoài thì BCG lại tập trung trực tiếp vào thị trường mà doanh nghiệp hướng đến. Thông qua việc phân tích SBU trong BCG, các nhà quản trị cũng sẽ đánh giá được vị thế cạnh tranh và tiềm lực phát triển của các loại sản phẩm, từ đó đưa ra những chiến lược phát triển cho doanh nghiệp chủ yếu trên khía cạnh thị phần và lợi nhuận.
BCG là từ viết tắt của Boston Consulting Group, được xây dựng để giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược thị phần của mình bằng cách phân chia sản phẩm vào các nhóm khác nhau. Cấu trúc của BCG gốm bốn phần: Dấu hỏi chấm, Ngôi sao, Bò sữa và Chó mực.
Dấu hỏi chấm là nhóm sản phẩm có vị thế cạnh tranh và thị phần thấp nhưng lại là có tăng trưởng cao và triển vọng trong việc phát triển. Nếu nhóm này được chú ý đầu tư có thể sẽ trở thành Ngôi sao. Ngôi sao là nhóm sản phẩm có sự tăng trưởng cao, có lợi thế cạnh tranh và nhiều cơ hội để phát triển lợi nhuận và tăng trưởng dài hạn. Bò sữa là nhóm những sản phẩm có sự tăng trưởng thấp nhưng thị phần cao, có khả năng sinh lợi nhưng không có cơ hội phát triển. Và nhóm Chó mực là những sản phẩm có sự cạnh tranh yếu và thị phần thấp, tốc độ tăng trưởng chậm, là những sản phẩm nên hạn chế đầu tư và dần loại bỏ.
Thông qua công cụ BCG, các nhà quản trị có thể hoạch định chiến lược và tập trung nguồn lực một cách chính xác, giúp doanh nghiệp tận dụng lợi thế cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu và xu hướng của thị trường.
BSC – Công cụ hướng đến sự phát triển cân bằng
BSC (Balance Score Card) hay còn gọi là Thẻ điểm cân bằng, thực chất là một mô hình quản trị chiến lược được rất nhiều doanh nghiệp ứng dụng. Vậy tại sao BSC lại được một số doanh nghiệp xem như một công cụ hoạch định chiến lược?
Bởi là một công cụ quản trị chiến lược điển hình, đương nhiên BSC không thể không có những bước hoạch định. Do đó, các doanh nghiệp xem BSC là một công cụ hoạch định chiến lược cũng không sai.
Bước đầu tiên trong quá trình ứng dụng BSC vào quản trị doanh nghiệp là việc phân tích và đánh giá thực trạng tổng thể của doanh nghiệp, bao gồm tầm nhìn, sứ mệnh, con người, văn hóa… Tiếp đến là xác định thế mạnh, điểm yếu của công ty thông qua phân tích ma trận SWOT rồi từ đó xây dựng chiến lược và lựa chọn chiến lược phù hợp. Đó cũng chính là những bước cơ bản trong hoạch định chiến lược.
Điểm đặc biệt của công cụ BSC là tính cân bằng vì nền tảng chiến lược của BSC luôn được xây dựng trên bốn yếu tố: tài chính, khách hàng, quy trình và con người. Nếu như SWOT tập trung vào doanh nghiệp, BCG hướng ra thị trường thì BSC hoạch định chiến lược dựa trên cả hai nguồn nội – ngoại lực. Sự cân bằng đem lại cho doanh nghiệp một thế phát triển ổn định và vững chắc vì một doanh nghiệp không thể chỉ tập trung vào tài chính hay khách hàng. Sau tám đến mười năm, các doanh nghiệp không gặp khó khăn về tài chính, cũng đã vượt qua được trở ngại về khách hàng, nhưng họ lại đứng trước nguy cơ về quy trình và con người không theo kịp chiến lược. Nếu ngay từ bước hoạch định chiến lược chúng ta xem nhẹ hai yếu tố này thì không sớm cũng muộn, doanh nghiệp sẽ phải đối diện với khủng hoảng.
Bên cạnh đó, BSC không dừng lại ở công cụ hoạch định chiến lược mà còn bao hàm cả phần thực thi và đánh giá chiến lược. Do đó, nó trở thành công cụ được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để có sự thống nhất và thuận tiện trong việc quản trị.
Trên đây là 3 công cụ hoạch định chiến lược thường được các doanh nghiệp “điểm danh” và ứng dụng trong quản trị chiến lược. Mỗi công cụ đều tập trung vào những khía cạnh và đối tượng khác nhau tạo nên lợi thế riêng cho mỗi công cụ. Tùy thuộc vào nhu cầu và nền tảng của mình mà các doanh nghiệp có thể lựa chọn các công cụ phù hợp hỗ trợ cho việc hoạch định chiến lược.