DOANH THU THUẦN LÀ GÌ? CÔNG THỨC TÍNH NET REVENUE

Doanh thu là chỉ số quan trọng nhưng cũng rất phức tạp đối với các kế toán viên của doanh nghiệp. Nếu xử lý sai doanh thu thuần và tổng doanh thu có thể gây ra hậu quả rất lớn về thuế thu nhập. Do đó, trong vai trò kế toán, việc ghi nhận và báo cáo một cách chính xác, minh bạch doanh thu là rất quan trọng.

Doanh thu thuần là gì?

Doanh thu thuần (net revenue) là số tiền thu được từ hoạt động kinh doanh sau khi đã trừ đi các chi phí liên quan như các loại thuế và các khoản giảm trừ (thuế xuất nhập khẩu, doanh thu bị trả lại, giảm giá bán hàng, chiết khấu thương mại,…). Đây là một chỉ số quan trọng trong tài chính doanh nghiệp, thường được dùng để đo lường hiệu quả và sinh lời của hoạt động kinh doanh.

Trong đó:

  • Chiết khấu thương mại: Là phương thức giảm giá được áp dụng khi khách hàng mua với số lượng lớn, số tiền này được trừ trực tiếp từ doanh thu.
  • Giảm giá hàng bán: Khoản tiền giảm trực tiếp cho người mua hàng, được áp dụng đối với sản phẩm không đạt mức chất lượng, mất phẩm chất hoặc không tuân theo quy cách quy định trong hợp đồng kinh tế. Qua chương trình giảm giá hàng bán này, doanh nghiệp cam kết chất lượng và quy cách sản phẩm, tạo điều kiện cho khách hàng khi sản phẩm không đáp ứng đúng yêu cầu.
  • Hàng bán bị trả lại: Giá trị sản phẩm mà khách hàng trả lại (do vi phạm hợp đồng, cam kết, chất lượng thấp, mất phẩm chất, sai hàng,…).

Doanh thu thuần (net revenue) là số tiền thu được từ hoạt động kinh doanh sau khi đã trừ đi các chi phí liên quan

Cách tính doanh thu thuần

Doanh thu thuần được tính với công thức:

Doanh thu thuần = Doanh thu tổng thể của doanh nghiệp – Các khoản giảm trừ doanh thu.

Trong đó:

  • Doanh thu tổng thể: Là tổng giá trị sản phẩm bán ra của doanh nghiệp.
  • Các khoản giảm trừ doanh thu: Bao gồm thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán trả lại.

Căn cứ Quyết định 15/2006/QĐ-BTC Chế độ Kế toán doanh nghiệp của Bộ Tài Chính, công thức tính doanh thu thuần được quy định:

Doanh thu thuần = Doanh thu tổng thể của doanh nghiệp – Chiết khấu bán hàng – Hàng bán bị trả lại – Giảm giá hàng bán – Thuế gián thu.

Yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu thuần

Giá cả

Giá cả ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và khối lượng sản phẩm. Giá thành tỷ lệ thuận với doanh thu. Khi giá của một sản phẩm/ dịch vụ tăng lên, các yếu tố khác không thay đổi, thì doanh thu từ việc bán hàng cũng tăng lên và ngược lại. Giá cả cũng là một yếu tố quan trọng để khách hàng quyết định mua hàng của doanh nghiệp. Khi giá cả giảm đi, người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn, giá cả tăng lên, khối lượng tiêu thụ sản phẩm thường giảm đi.

Chất lượng dịch vụ tiêu thụ và sản phẩm

Chất lượng dịch vụ trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị của sản phẩm, điều này có thể thay đổi khả năng tiêu thụ và doanh thu thuần của doanh nghiệp. Khi sản phẩm đạt chất lượng cao, người bán có thể để giá bán cao hơn, trong khi sản phẩm chất lượng thấp thường có giá thành thấp hơn. Thông qua chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng có thể đánh giá mức độ đầu tư của doanh nghiệp vào chất lượng, từ đó đưa ra quyết định về mức độ tin cậy của doanh nghiệp.

Khối lượng tiêu thụ, sản xuất sản phẩm

Khối lượng tiêu thụ và số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường có sự ảnh hưởng lẫn nhau. Nhu cầu mua hàng lớn trong khi số lượng sản phẩm ít, doanh nghiệp sẽ tăng doanh thu. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp sản xuất quá nhiều, vượt quá nhu cầu của thị trường, sẽ xảy ra tình trạng tồn kho hàng hóa và tăng chi phí lưu trữ.

Kết cấu của sản phẩm được tiêu thụ

Sự đa dạng trong kết cấu sản phẩm là một yếu tố quan trọng để doanh nghiệp mở rộng thị trường kinh doanh. Bằng cách có các kết cấu sản phẩm khác nhau, doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đa dạng của các đối tượng người dùng. Điều này không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn tạo ra sự tác động tích cực đến việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.

Chính sách bán hàng

Khi doanh nghiệp thực hiện các chính sách bán hàng hiệu quả, quản lý hoạt động tồn, nhập, xuất theo nguyên tắc, người tiêu dùng sẽ quan tâm đến sản phẩm/ dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp thực hiện thanh toán quốc tế và quản lý thu hồi sản phẩm, bên cạnh việc xây dựng chính sách bán hàng, cần lưu ý giấy tờ, nguyên tắc và sử dụng các phương thức thanh toán phù hợp để đảm bảo việc tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước diễn ra một cách thuận lợi.

Thị trường tiêu thụ

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm/ dịch vụ tăng cao sẽ thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng doanh thu từ hoạt động bán hàng. Mở rộng thị trường xuất khẩu có thể là một cách để gia tăng quy mô tiêu thụ hàng hóa. Trước khi tiến hành kinh doanh, điều quan trọng là phải nghiên cứu thị trường để hiểu rõ nhu cầu và tìm cách tăng thị phần cho doanh nghiệp.

Yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu thuần

Ý nghĩa của doanh thu thuần

  • Doanh thu thuần là chỉ số quan trọng trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thể hiện kết quả việc tiêu thụ hàng hóa/ dịch vụ của doanh nghiệp trong một thời gian cụ thể.
  • Phản ánh kết quả, chất lượng của doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp bởi nó đã trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu.
  • Thông qua việc phân tích chỉ tiêu doanh thu thuần, nhà quản trị sẽ có căn cứ để đưa ra quyết định về chính sách từ sản xuất, bán hàng, phân phối sản phẩm.
  • Doanh thu thuần là cơ sở để doanh nghiệp xác định tình hình kinh doanh, cũng như so sánh với các kỳ trước và so với mục tiêu đặt ra.
  • Đưa ra cái nhìn tổng quan về quá trình tăng trưởng qua các giai đoạn, dựa vào đó các nhà quản trị có thể xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp.
  • Tạo động lực làm việc cho đội ngũ nhân viên, khi doanh thu thuần tăng, doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh, điều này thúc đẩy động lực làm việc cho nhân viên, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Phân biệt doanh thu thuần với doanh thu và lợi nhuận

Doanh thu thuần và doanh thu

Doanh thu là tổng giá trị kinh tế mà doanh nghiệp thu được thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, bán hàng, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp. Công thức tính doanh thu:

Doanh thu = (Tổng giá trị sản phẩm bán ra/số người trải nghiệm dịch vụ * Đơn giá sản phẩm/dịch vụ) + Các khoản phụ thu khác

Doanh thu và doanh thu thuần đều là khoản tiền doanh nghiệp nhận được từ hoạt động kinh doanh. Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở việc doanh thu là tổng giá trị thu được, trong khi doanh thu thuần được tính sau khi khấu trừ các khoản giảm trừ.

Doanh thu phản ánh tổng giá trị tiền bán hàng, cung cấp dịch vụ mà doanh nghiệp đã thực hiện trong một kỳ kế toán. Còn doanh thu thuần phản ánh khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp dựa trên việc kinh doanh sản phẩm/ dịch vụ của mình.

Doanh thu thuần và lợi nhuận

Lợi nhuận là phần tài sản có thêm của doanh nghiệp thông qua hoạt động đầu từ đã giảm trừ các chi phí. Lợi nhuận hình thành dựa trên khoản chênh lệch giữa số tiền thu vào và chi ra cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Lợi nhuận sau cùng mà doanh nghiệp quan tâm là lợi nhuận sau thuế, nhưng trước khi tính lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp cần tính lợi nhuận trước thuế, với công thức sau:

  • Lợi nhuận trước thuế  = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán – chi phí bán hàng – chi phí quản lý doanh nghiệp
  • Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận trước thuế – Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho nhà nước trong kỳ

Một doanh nghiệp có doanh thu thuần cao không đồng nghĩa với lợi nhuận cũng cao. Bởi doanh thu chịu tác động của nhiều yếu tố về kinh doanh sản phẩm/ dịch vụ, còn lợi nhuận được tính dựa trên hoạt động đầu tư. Chính vì vậy, doanh nghiệp vẫn có thể bị lỗ kể cả khi có doanh thu.

Phân biệt doanh thu thuần với doanh thu và lợi nhuận

Dựa vào doanh thu thuần, các nhà quản trị có cơ sở để thực hiện các điều chỉnh cần thiết như chính sách bán hàng, quy trình sản xuất, chiến lược phân phối sản phẩm, nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh và duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Doanh thu thuần cũng là cơ sở để xác định lợi nhuận trước và sau thuế, nhằm đánh giá lợi nhuận thực tế trong một kỳ kế toán. Việc xác định đúng các chỉ tiêu này là vai trò rất quan trọng của các kế toán viên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *